Quay lại

Gạo Việt Nam “lên đỉnh” thế giới: Cơ hội gia tăng giá trị và mở rộng thị trường xuất khẩu

Hội nghị Thượng đỉnh Lúa gạo quốc tế (The Rice World) năm 2023 diễn ra tại Cebu, Philippines từ ngày 27/11 đến 1/12/2023 đã thu hút sự tham gia đông đảo từ các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và các nhân tố khác trong chuỗi giá trị gạo trên toàn thế giới.

Đây là sự kiện hàng năm do The Rice Trader tổ chức, các hoạt động trong khuôn khổ hội nghị nhấn mạnh vấn đề thương mại lúa gạo, các giải pháp khoa học kỹ thuật, phương pháp nghiên cứu giống, canh tác ruộng đồng…

GÓP PHẦN QUẢNG BÁ, MỞ RỘNG THÊM CỬA CHO LÚA GẠO
Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh The Rice World năm 2023, ông Lê Thanh Tùng -Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết Hội nghị The Rice World đã góp phần quảng bá thương hiệu gạo Việt, tạo được mối quan hệ khách hàng, cung cấp các thông tin hữu ích cho doanh nghiệp, sản xuất và thương mại trong nước, tiếp cận và giao lưu với thị trường gạo rộng hơn, mang lại hiệu quả cho các hoạt động sản xuất kinh doanh ngành hàng lúa gạo”.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ vẫn áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo và Trung Quốc giảm nhập khẩu, gây ra những thách thức đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, những biến động chính trị và cuộc bầu cử tại nhiều quốc gia cũng dự kiến sẽ ảnh hưởng đến thị trường gạo toàn cầu. 

"Ưu thế của gạo Việt Nam so với các quốc gia khác rất rõ rệt do sự phát triển sản xuất lúa gạo và sự chủ động, linh hoạt trong xuất khẩu gạo”.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt.

Không chỉ có cái nhìn tổng quan về tình hình và diễn biến lúa gạo trong năm, các đại biểu tham gia còn thảo luận, dự đoán các biến động tiềm ẩn. Năm 2023, tình trạng căng thẳng trong nguồn cung cấp và giá cả của các ngũ cốc toàn cầu là một trong những chủ đề nóng được các chuyên gia lúa gạo bàn luận.

Các chuyên gia nhận định thêm, việc giá gạo tăng mạnh trong năm do thị trường ngũ cốc tuột dốc đã đặt ra câu hỏi quan trọng: Quốc gia nào sẽ cung cấp lương thực trong năm 2024 rất khác biệt về nhu cầu khắt khe của khách hàng.

“Trước những thách thức đó, ngành hàng lúa gạo Việt Nam vẫn được bạn bè thế giới công nhận. Điển hình, bài trình bày về sản lượng và giá trị nhập khẩu của các quốc gia đang cân đối lương thực cho thấy, 89% lượng nhập khẩu gạo trong năm 2023 của Philippine là từ Việt Nam", ông Lê Thanh Tùng thông tin.

Một điểm sáng tại Hội nghị, Việt Nam đã giành giải thưởng "Gạo ngon nhất thế giới", làm tăng thêm niềm tự hào cho ngành công nghiệp lúa gạo của Việt Nam. Danh hiệu này là minh chứng cho sự chủ động về nghiên cứu, chọn tạo giống chất lượng cao, thương mại hóa bài bản của doanh nghiệp nước ta.

Theo đó, Việt Nam có 3 doanh nghiệp tham dự hội nghị và gửi 6 mẫu gạo tham gia giải thưởng. Cụ thể, Doanh nghiệp Hồ Quang - Hồ Quang Trí gửi 2 mẫu gạo ST24, ST25; Tập đoàn Lộc Trời gửi 2 mẫu gạo LT28 và Nàng Hoa 9, Tập đoàn ThaiBinh Seed gửi 2 mẫu gạo TBR39-1 và nếp A Sào.

KHẲNG ĐỊNH UY TÍN, CHẤT LƯỢNG GẠO VIỆT

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tập đoàn Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed), cho biết: “Việt Nam có 3 đơn vị tham gia là ThaiBinh Seed, Lộc Trời và Cty Hồ Quang. Nhưng theo thể lệ cuộc thi năm nay Ban tổ chức không công bố tên gạo đoạt giải mà chỉ Công Bố Quốc Gia đạt giải nhất. Nên chưa biết gạo của đơn vị nào ngon nhất. nhưng đây cũng rất tự hào cho hạt gạo Việt Nam. Chúng ta cùng nhau vun đắp và chia sẻ để "HẠT GẠO VIỆT" trở thành niềm tự hào của nông nghiệp và đất nước Việt Nam”.

Đại diện Việt Nam nhận Cúp vàng Gạo ngon nhất thế giới năm 2023.

Đại diện Việt Nam nhận Cúp vàng Gạo ngon nhất thế giới năm 2023.

Theo các doanh nghiệp và chuyên gia ngành lúa gạo Việt Nam, việc được vinh danh tại sự kiện quốc tế là sự khích lệ lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Đây là cơ hội để các thương hiệu Việt uy tín mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như gia tăng giá trị sản phẩm. Hội nghị cũng là điều kiện tốt cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tiếp cận và nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, thị trường và giá cả phù hợp.

Nhìn chung, kết quả giải thưởng tôn vinh giá trị gạo Việt Nam làm cho hầu hết những doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội nghị đều phấn khởi, vui mừng và tự hào, tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều lên bục nhận giải và có chung nhận định về tiềm năng và năng lực phát triển gạo Việt trong tương lai, đó chính là thành công lớn nhất của gạo Việt Nam tham dự hội nghị này.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định, việc gạo Việt Nam được vinh danh gạo ngon nhất thế giới thêm một lần nữa khẳng định chất lượng cũng như uy tín của gạo Việt trên thị trường quốc tế.

"Trong 11 tháng của năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 7,65 triệu tấn gạo, thu về 4,41 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là con số kỷ lục cao nhất từ trước tới nay".

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đáng chú ý, hiện giá gạo Việt Nam đã vươn lên vị trí cao nhất thế giới. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 29/11, gạo Việt Nam loại 5% tấm xuất khẩu có giá 663 USD/tấn, vượt xa so với 625 USD/tấn gạo cùng loại của Thái Lan và 598 USD/tấn hàng Pakistan. Tương tự, gạo 25% tấm của nước ta được giao dịch ở ngưỡng cao 643 USD/tấn - mức giá đắt đỏ nhất so với giá hàng cùng loại của các quốc gia xuất khẩu gạo top đầu thế giới.

Thông tin gạo Việt Nam được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến hình ảnh gạo Việt cũng như việc xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chính thức phê duyệt Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu hình thành một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt một triệu ha. Lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

Nguồn: TBKTVN