Quay lại

E-commerce Trung Quốc trước áp lực mới

Không mất nhiều thời gian để các công ty thương mại điện tử Trung Quốc như Shein, Temu, và TikTok vươn ra toàn cầu. Shein nhanh chóng trở thành thương hiệu yêu thích của giới trẻ Mỹ khi mua sắm quần áo. Năm 2023, TikTok ra mắt nền tảng thương mại điện tử, tiếp cận hơn 1 tỉ người dùng. Trong phần lớn năm 2024, Temu liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng ứng dụng được tải xuống nhiều nhất tại Mỹ.

Tuy nhiên, sự phát triển thần tốc này cũng kéo theo sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách. Năm 2025 dự kiến sẽ đánh dấu bước ngoặt lớn, buộc những "tay chơi mới" này phải thích nghi để cạnh tranh công bằng hơn với các đối thủ phương Tây.

Một trong những yếu tố giúp các nền tảng này phát triển nhanh chóng là chiến lược tiếp thị rầm rộ với mức giá cực kỳ cạnh tranh. Shein và Temu tận dụng mạng xã hội để quảng bá các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Thêm vào đó, giá rẻ là yếu tố then chốt, nhờ vào mô hình vận chuyển trực tiếp từ kho hàng tại Trung Quốc đến tay khách hàng qua các đối tác như UPS và FedEx.

Không xây dựng mạng lưới logistics phức tạp như Amazon giúp các công ty này có thể giữ mức giá thấp, nhưng đồng thời lại kéo dài thời gian giao hàng đến vài tuần.

Tuy nhiên, tình hình đang thay đổi. Bước sang năm 2024, chi phí vận chuyển tăng lên, khi số lượng gói hàng từ Trung Quốc tăng nhanh chóng. Bên cạnh đó, các chính sách thuế mới có thể được áp dụng nhằm xóa bỏ lỗ hổng miễn thuế đối với các gói hàng nhỏ.

Tại Mỹ, số gói hàng nhập khẩu không chịu thuế đã tăng từ 134 triệu năm 2015 lên 1,1 tỉ năm 2023, trong đó 60% đến từ Trung Quốc. Điều này khiến các nhà lập pháp tại Mỹ, Anh và EU đẩy mạnh nỗ lực điều chỉnh chính sách.

Tiếp đến, để đối phó, các công ty như Temu đang mở rộng danh mục sản phẩm với sự tham gia của các thương hiệu châu Âu và Mỹ. Cả Shein và Temu đều đã mua không gian kho bãi tại Mỹ, nhằm kinh doanh những sản phẩm cồng kềnh hơn. Ngoài ra, Temu còn chuyển giao một phần trách nhiệm logistics và giao hàng cho các nhà cung cấp Trung Quốc có kho đặt tại Mỹ để giảm tác động từ việc chi phí vận chuyển tăng cao.

Cuối cùng, áp lực liên quan đến các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cũng gia tăng. Tại châu Âu, thời trang giá rẻ bị chỉ trích vì tác động tiêu cực đến môi trường. Trong khi đó, tại Mỹ, Quốc hội đã điều tra Shein và Temu về cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng.

Shein là công ty phản ứng mạnh mẽ nhất trước những lo ngại này, một phần vì kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán London. Để cho thấy uy tín bền vững, hãng thời trang này đã thành lập quỹ 200 triệu euro (223 triệu USD) đầu tư vào tái chế và ra mắt nền tảng mua bán đồ cũ.

Khi áp lực tại các thị trường lớn tăng cao, các công ty Trung Quốc có thể chuyển hướng sang các khu vực ít bị giám sát hơn như Trung Đông và Mỹ Latinh. TikTok đã mua lại phần lớn cổ phần của Tokopedia, một nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Indonesia, để mở rộng thị phần tại Đông Nam Á.

Theo dự báo của Bernstein, tổng giá trị hàng hóa giao dịch qua Temu sẽ tăng từ 53 tỉ USD năm 2024 lên 96 tỉ USD năm 2026, nhưng tỉ trọng khách hàng Mỹ dự kiến giảm từ 1/3 xuống 1/4.

Dù đã nỗ lực giảm bớt dấu ấn "Trung Quốc", các công ty thương mại điện tử này khó có thể tránh khỏi tác động từ những thay đổi lớn trong năm 2025.

Nguồn The Economist - Nhipcaudautu