Quay lại

Dân số già đang ảnh hưởng tới xếp hạng tín nhiệm của nhiều quốc gia như thế nào?

Theo Financial Times, trong bối cảnh dân số già hóa đang tác động lớn tới nền tài chính công của các quốc gia trên khắp thế giới, nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm cảnh báo các đợt tăng lãi suất gần đây đang khiến chi phí dành cho hưu trí và y tế tăng lên.

Khi nhiều quốc gia tăng mạnh lãi suất để phản ứng với lạm phát cao kỷ lục, ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới gồm Moody’s, S&P và Fitch đều cảnh báo rằng bối cảnh nhân khẩu học xấu đi đã bắt đầu ảnh hưởng tới xếp hạng tín nhiệm của các chính phủ.

Ba tổ chức này cũng cho biết các chính phủ có thể bị hạ xếp hạng nếu không đưa ra những cải tổ sâu rộng.

“Trước đây, nhân khẩu học là vấn đề được xem xét trong trung và dài hạn. Nhưng giờ đây, tương lai đó đã đến và đã ảnh hưởng tới hồ sơ tín nhiệm của các quốc gia”, ông Dietmar Hornung, phó giám đốc điều hành tại Moody’s Investors Services, cho biết.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tháng này đều đã nâng lãi suất lên mức cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính, theo đó làm tăng mức chi trả nợ của các chính phủ.

“Dù diễn ra chậm, nhưng các vấn đề nhân khẩu học đang ngày càng trở nên cấp bách hơn”, ông Edward Parker, giám đốc nghiên cứu toàn cầu về các quốc gia tại Fitch, nói. “Chúng tôi nhận thấy rõ những tác động bất lợi (của vấn đề nhân khẩu học) tại nhiều quốc gia và những tác động này đang gia tăng.

Tháng trước, Fitch đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Pháp và cảnh báo rằng chương trình cải cách lương hưu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có thể bị đình trệ.

Theo các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, chi phí đi vay tăng lên vừa làm gia tăng những thay đổi đối với dân số trong độ tuổi lao động, vừa tác động tới nền tài chính công của các quốc gia do chi phí hưu trí và y tế tăng lên.

Điều này đã ảnh hưởng tới triển vọng nợ công tại Liên minh châu Âu (EU) - nơi tỷ lệ dân số trên 65 tuổi được dự báo sẽ tăng từ mức 20% hiện tại lên 30% vào năm 2030, cũng như tại Mỹ và Nhật.

Dẫn một nghiên cứu của S&P Global Ratings, ông Marko Mrsnik, nhà phân tích về quốc gia trưởng tại tổ chức này, cho biết khi chi phí đi vay tăng thêm một điểm phần trăm, tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Nhật Bản, Italy, Anh và Mỹ sẽ tăng thêm khoảng 40-60 điểm phần trăm vào năm 2060.

"Các chính phủ trì hoãn hành động càng lâu thì hành động đó sẽ càng tốn kém".

Edward Parker, giám đốc nghiên cứu toàn cầu về các quốc gia tại Fitch

“Đó là mức tăng rất lớn, cho thấy cần thiết phải thực hiện các cuộc cải tổ để giải quyết áp lực dân số già và cả cải tổ về tài khóa để duy trì nợ chính phủ ở mức bền vững”, ông Mrsnik nói.

Hồi tháng 1, S&P cho biết gần một nửa các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ bị hạ xếp hạng tín nhiệm xuống mức “junk” (rủi ro cao) vào năm 2060 nếu các chính phủ không có biện pháp để giảm chi phí liên quan tới dân số già.

Theo ước tính của tổ chức này, nếu thiếu cải tổ trong chính sách tài khóa liên quan tới già hóa dân số, một chính phủ sẽ chịu thâm hụt ngân sách khoảng 9,1% GDP vào năm 2060, tăng đáng kể so với mức 2,4% của năm 2025.

S&P cũng dự báo chi phí hưu trí trên GDP sẽ tăng bình quân 4,5 điểm phần trăm, lên mức 9,5% vào năm 2060, dù sẽ có sự khác nhau giữa các quốc gia. Tổ chức này dự báo, trong giao đoạn 2022-2060, chi phí y tế trên GDP sẽ tăng khoảng 2,7 điểm phần trăm đối với một quốc gia bình thường.

“Các chính phủ trì hoãn hành động càng lâu thì hành động đó sẽ càng tốn kém", ông Parker của Fitch nói.

Theo các nhà phân tích, trên toàn cầu, các quốc gia ở Trung và Nam Âu là những nơi có tình trạng nhân khẩu học tồi tệ nhất, trong đó Đức là nơi có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Một báo cáo của Moody’s hồi đầu năm nhận xét áp lực trên thị trường lao động Đức “đã trở nên rất rõ ràng” và “tiềm năng tăng trưởng của nước này sẽ càng suy yếu hơn nữa trong năm tới nếu không có cải tổ”.

Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng cảnh báo về thâm hụt mang tính hệ thống trong hệ thống hưu trí của Tây Ban Nha và hiệu quả quản lý nền tài chính của Pháp. Tuy nhiên, các tổ chức này đánh giá cao những cải tổ sâu rộng trong hệ thống hưu trí của Hy Lạp sau cuộc khủng hoảng nợ. Trong một cuộc khỏa sát với 81 quốc gia của S&P, Hy Lạp là nước duy nhất được dự báo có chi phí liên quan tới dân số già hóa giảm vào năm 2060.

Ngược lại, một số quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á đối mặt triển vọng xấu do áp lực về nhân khẩu học.

“Đến năm 2050, Nhật Bản, Đài Loan và Trung Quốc là những nơi có hồ sơ nhân khẩu học tồi tệ nhất”, ông Parker dự báo.

Nguồn: TBKTVN