Cuộc khủng hoảng hưu trí ở Mỹ
Eric Payne, hiện là giám đốc đảm bảo chất lượng cho một công ty bán buôn hải sản gần Portland, bang Maine, Mỹ, luôn cố gắng làm việc chăm chỉ để gia tăng thu nhập.
Ông bố đơn thân 37 tuổi của hai bé trai kiếm được khoảng 80.000 USD/năm nhưng sau khi thanh toán hết các hóa đơn sinh hoạt thiết yếu, Payne không còn lại nhiều tiền.
“Thực phẩm, tiền trả góp ô tô, tiền trả khoản vay thế chấp mua nhà, quần áo của bọn trẻ… và cả những khoản bất ngờ”, Payne kể các khoản chi tiêu hàng tháng của mình.
Chia sẻ với hãng tin CNN, Payne cho biết tiền bạc của anh luôn dành cho thời điểm hiện tại dù anh nhận thức rõ việc này không ổn cho tương lai. Kế hoạch về hưu của ông bố 37 tuổi đang bị gác lại.
“Để dành tiền cho tương lai với tôi dường như bất khả thi. Mỗi ngày là một cuộc chiến không ngừng, tôi có cảm giác mình luôn bị thúc đi. Tôi nghĩ mình có thể xử lý mọi chuyện nhưng rồi lại có chuyện gì đó xuất hiện buộc tôi phải giải quyết”.
Với một khoản tiết kiệm theo chương trình hưu trí 401(k) từ công việc trước và một chương trình sở hữu cổ phiếu nội bộ ở công ty hiện tại, Payne hiện có chưa tới 10.000 USD tiền tiết kiệm về hưu. Tuy nhiên, anh cho rằng mình sẽ không về hưu ở tuổi 65 mà có thể sẽ tiếp tục làm việc kiếm tiền nếu sức khỏe cho phép.
Tại Mỹ, những trường hợp tương tự như Payne không phải hiếm.
Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) dự báo lượng người trên 75 tuổi vẫn tham gia lực lượng lao động tại Mỹ sẽ tăng gần gấp đôi trong thập kỷ tới. Điều này đang tạo ra một cuộc khủng hoảng hưu trí.
Người Mỹ có ba phương thức tiết kiệm hưu trí, gồm các chương trình hưu trí tư nhân, quyền lợi từ chương trình An sinh Xã hội của Chính phủ và các quỹ hưu trí như 401(k).
Các chương trình hưu trí tư nhân gần như đã biến mất. Vào khoảng giữa những năm 1980, khoảng 50% người lao động trong khu vực tư nhân được hưởng quyền lợi từ các chương trình hưu trí như vậy, nhưng tới năm 2022, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 15%.
Trong khi đó, chi trả từ chương trình An sinh Xã hội hiện vẫn chiếm khoảng 90% thu nhập của hơn 25% người về hưu tại Mỹ - theo một khảo sát của Sở An sinh Xã hội Mỹ. Tuy nhiên, các quỹ tín thác An sinh Xã hội của Mỹ được dự báo sẽ cạn kiệt nguồn vốn vào giữa thập niên 2030, đồng nghĩa chỉ một bộ phận người hưu trí được trả lương hưu. Các nhà làm luật tại Mỹ nhiều thập kỷ qua vẫn chưa tìm được cách tháo gỡ khó khăn cho các quỹ này.
Chương trình còn lại là 401(k), hiện có sự tham gia của khoảng 68% người lao động trong khu vực kinh tế tư nhân. Theo ông Larry Fink, CEO của công ty quản lý đầu tư BlackRock, tăng khả năng tiếp cận các chương trình như 401(k) có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng hưu trí tại Mỹ.
Tuy nhiên, theo dữ liệu từ trang Bankrate, chỉ khoảng 44% người trưởng thành Mỹ có khả năng chi trả một khoản tiền khẩn cấp trên 1.000 USD từ tiền tiết kiệm của mình, chưa nói tới việc tiết kiệm để về hưu.
Lạm phát cao, tiền tiết kiệm từ đại dịch Covid-19 dần cạn đồng nghĩa ngày càng nhiều người Mỹ rơi vào cảnh thiếu tiền. Do đó, nhiều người đã rút tiền trước hạn từ tài khoản hưu trí 401(k) để giải quyết khó khăn tài chính dù phải chịu khoản phí phạt rút trước hạn lớn – theo một khảo sát gần đây của công ty quản lý đầu tư Vanguard.
Bà Jamie, một bà mẹ đơn thân 54 tuổi hiện là trợ lý hành chính ở bang Texas, đã phải tìm đến tài khoản hưu trí 401(k) của mình để trang trải cuộc sống cho bản thân và con trai hai lần.
Lần đầu là ngay sau khi bà sinh con, khi đó bà đang làm một công việc không có chính sách thai sản. Ngay sau khi trở về nhà từ bệnh viện cùng con trai mới sinh, Jamie nhận được thư từ công ty nói rằng họ sẽ không giữ vị trí công việc của bà trong thời gian bà nghỉ sinh.
“Tôi đã thất nghiệp, trong khi bố của con tôi không ở cạnh và cũng không thể giúp đỡ. Đó là lần đầu tiên tôi phải dùng đến tài khoản 401(k) để trang trải cuộc sống trong khi tìm kiếm một công việc khác”, bà Jamie chia sẻ.
Lần thứ hai là vài năm sau đó khi bà tiếp tục thất nghiệp và cần tiền để trả chi phí sinh hoạt, chuyển chỗ ở và trả nợ thẻ tín dụng.
Chia sẻ với CNN, bà cho biết hiện vẫn đang tiếp tục “kiếm được đồng nào tiêu sạch đồng đấy” và chỉ còn lại khoảng 15.000 USD trong tài khoản 401(k).
“Đó là tất cả những gì tôi có”, bà nói. “Số tiền đó chắc chắn không đủ, nhưng tôi không thể làm gì lúc này”.
Nguồn: TBKTVN