Quay lại

Chứng khoán Mỹ bán tháo vì lợi nhuận quý 1 gây thất vọng, giá dầu tụt 2%

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh nhất 1 tháng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (25/4), khi dự báo ảm đạm của hãng vận tải UPS khiến nhà đầu tư thêm phần lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế. Thông tin về sự sụt giảm tiền gửi ở ngân hàng First Republic Bank cũng đẩy cao mối lo về sức khoẻ của hệ thống ngân hàng.

Bị bán tháo theo cổ phiếu, giá dầu thô giảm hơn 2%, dù vẫn được hỗ trợ bởi kỳ vọng về sự khởi sắc của nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 344,57 điểm, tương đương giảm 1,02%, còn 33.530,83 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,58%, còn 4.071,63 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 1,98%, còn 11.799,16 điểm.

Đây là phiên giảm mạnh nhất của Dow Jones và S&P 500 kể từ hôm 22/3, và là phiên giảm mạnh nhất của Nasdaq kể từ hôm 9/3.

Cổ phiếu United Parcel Service (UPS) lao dốc 10%, mức giảm mạnh nhất trong một phiên của cổ phiếu này kể từ tháng 7/2006, sau khi công ty công bố dự báo doanh thu và lợi nhuận cả năm ở cận dưới của khoảng mục tiêu đưa ra trước đó. Dự báo bi quan của UPS khiến nhóm giao thông trong Dow Jones giảm 3,6%, cú giảm mạnh nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.

Số liệu kinh tế Mỹ công bố ngày thứ Ba cho thấy niềm tin của người tiêu dùng nước này trong tháng 4 giảm xuống mức thấp nhất 9 tháng.

“Nhà đầu tư đang cố gắng đứng vững trong một tuần của những báo cáo tài chính lớn và những dữ liệu kinh tế quan trọng, cộng thêm việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ họp vào tuần tới”, Giám đốc đầu tư Carol Schleif của BMO Family Office nhận định với hãng tin Reuters.

Thị trường đang đặt cược gần như chắc chắn Fed sẽ nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào ngày thứ Tư tuần tới, khi ngân hàng trung ương này kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày.

Cổ phiếu Microsoft đóng cửa với mức giảm 2,2% trong phiên ngày thứ Tư, trở thành cổ phiếu gây áp lực giảm mạnh nhất lên S&P 500. Microsoft bị bán mạnh trước khi “đế chế” phần mềm công bố báo cáo tài chính quý 1. Cổ phiếu Google giảm 2%.

Chỉ số KBW Regional Banking Index đo giá cổ phiếu các ngân hàng khu vực Mỹ giảm 3,9% do cổ phiếu First Republic “bốc hơi” 49% xuống mức thấp kỷ lục. Hôm thứ Ba, First Rebulic cho biết đã bị khách hàng rút 100 tỷ USD trong quý 1. Thông tin này được tiết lộ sau cuộc khủng hoảng ngân hàng gây chấn động vào tháng trước.

“Mọi người đang cố gắng xác định tình trạng sức khoẻ của các ngân hàng khu vực nói chung. Họ lo sợ có một mắt xích yếu nào đó. Việc các ngân hàng khu vực giữ được sức khoẻ tốt là một điều rất quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, bà Schleif nói.

Phiên này, nhà đầu tư cũng lo lắng về cuộc đối đầu của các nghị sỹ Mỹ xung quanh việc nâng trần nợ quốc gia. “Bất kỳ khi nào bạn nghe thấy rủi ro vỡ nợ, tâm lý ham thích rủi ro trên thị trường tài chính sẽ giảm xuống. Nguy cơ vỡ nợ quốc gia là điềm báo chẳng tốt đẹp gì đối với các tài sản rủi ro hay niềm tin của người tiêu dùng”, Giám đốc quản lý đầu tư Brian Price của Commonwealth Financial Network phát biểu.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 1,96 USD/thùng, tương đương giảm 2,4%, còn 80,77 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,69 USD/thùng, tương đương giảm 2,2%, còn 77,07 USD/thùng.

Trước đó, giá cả hai loại dầu đã tăng hơn 1% trong phiên ngày thứ Hai.

Nhà dầu tư bán mạnh dầu sau báo cáo cho thấy niềm tin người tiêu dùng Mỹ sụt giảm. Đồng USD tăng giá, mối lo suy thoái kinh tế Mỹ và sự bất an về sức khoẻ của First Republic cũng là những nhân tố đóng góp vào sự sụt giá của dầu thô trong phiên này.

Đồng USD tăng giá do nhu cầu phòng ngừa rủi ro của nhà đầu tư trong môi trường kinh tế bất bênh. Do dầu thô và các hàng hoá cơ bản khác được định giá bằng USD, mỗi khi đồng bạc xanh tăng giá, các hàng hoá này thường chịu áp lực giảm giá.

Giới đầu tư trên thị trường dầu lửa lo ngại rằng việc lãi suất tiếp tục tăng lên để chống lạm phát sẽ gây giảm tốc tăng trưởng kinh tế, thậm chí là suy thoái, kéo theo sự sụt giảm của nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU). Ngoài Fed, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào tuần tới.

Giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu tăng ở Trung Quốc, nền kinh tế đang hồi phục sau khi dỡ Zero Covid. Đặc biệt, hoạt động đi lại ở nước này được dự báo sẽ tăng mạnh trong dịp nghỉ lễ 1/5 sắp tới.

Ngoài ra, giá dầu cũng được nâng đỡ bởi triển vọng nguồn cung dầu thắt chặt do nhóm OPEC+ cắt giảm sản lượng. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.

Nguồn: TBKTVN