Các yếu tố nào chi phối giá dầu thế giới năm 2024?
Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn ước đạt trung bình khoảng 80 USD/thùng trong năm 2023, sau năm 2022 đầy biến động khi giá tăng trên 100 USD/thùng do nguồn cung của Nga bị gián đoạn.
Ngoài ra, giá dầu thô năm nay đã bị kìm chân bởi đồng đô la Mỹ mạnh lên và sản lượng tăng cao của các quốc gia không thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), bất luận nhu cầu đạt mức cao nhất lịch sự với hơn 100 triệu thùng/ngày.
Ba mươi nhà kinh tế và phân tích được hãng tin Reuters khảo sát đã dự đoán giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 84,43 USD/thùng vào năm 2024.
Dự đoán trên được đưa ra bất chấp dự báo tăng trưởng nhu cầu trên phạm vi rộng, từ mức 1 triệu thùng/ngày của Cơ quan Năng lượng Quốc tế đến 2,25 triệu thùng/ngày của OPEC.
Các công ty tư vấn năng lượng gồm Rystad Energy, JP Morgan, Kpler và Wood Mackenzie, dự đoán rằng nguồn cung dầu mỏ năm 2024 sẽ tăng từ 1,2 triệu đến 1,9 triệu thùng/ngày, do các nhà sản xuất bên ngoài OPEC thúc đẩy.
"Chúng tôi đang nghĩ đến một thị trường dư cung vào mỗi quý của năm tới", ông Vikas Dwivedi, chiến lược gia năng lượng toàn cầu tại Macquarie, cho biết.
Dưới đây là bốn nhân tố chính sẽ chi phối thị trường dầu mỏ thế giới trong năm 2024, theo ý kiến của các nhà phân tích được Reuters tổng hợp.
Sự tuân thủ cắt giảm sản lượng của OPEC+
Các nhà đầu tư đang chú ý đến số liệu nguồn cung quý I/2024 để xem liệu OPEC và các đồng minh (gọi tắt là OPEC+), có tuân thủ kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày hay không.
Tập đoàn ngân hàng ANZ suy đoán, nếu liên minh OPEC+ tuân thủ kế hoạch cắt giảm, điều đó có thể gây ra mức thâm hụt nhỏ dưới 500.000 thùng/ngày.
Trong khi đó, bà Ann-Louise Hittle từ Woodmac cho biết: "Quý đầu tiên sẽ rất quan trọng vì chúng tôi có thể đánh giá việc tuân thủ việc cắt giảm nguồn cung tự nguyện của OPEC+".
Chuyên gia Woodmac nói thêm, theo dựa trên dự báo nhu cầu hiện nayyy của Woodmac, liên minh OPEC+ sẽ không cần gia hạn các đợt cắt giảm tự nguyện mới vượt quý I.
Theo công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects, Saudi Arabia sẽ giảm dần mức cắt giảm trong quý II/2024 sau khi đề cập đến việc khôi phục nguồn cung dần dần. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản nước này gia hạn toàn bộ mức cắt giảm một lần nữa nếu cần.
Ba "át chủ bài" - Nga, Iran và Venezuela
Dòng chảy dầu mỏ của Venezuela đã trở lại thị trường toàn cầu kể từ khi Mỹ đình chỉ áp dụng các lệnh trừng phạt đối với thành viên OPEC này trong 6 tháng, cho đến tháng 4/2024.
Các nhà phân tích của JP Morgan cho rằng việc đình chỉ lệnh trừng phạt trên có thể sẽ kéo dài thêm 6 tháng nữa, nếu chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro tuân thủ lộ trình bầu cử tổng thống năm 2024 đã được thống nhất với phe đối lập.
"Cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2024 ở cả hai nước sẽ quyết định số phận lâu dài hơn của các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp dụng và hoạt động sản xuất dầu mỏ của Venezuela", JP Morgan nhận định.
Theo ước tính của JP Morgan, nếu Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với công ty dầu khí nhà nước PDVSA của Venezuela, sẽ giúp sản lượng dầu của Caracas tăng dần, từ 760.000 thùng/ngày vào năm 2023 lên 880.000 thùng/ngày vào năm 2024 và 963.000 thùng/ngày vào năm 2025.
Các nhà giao dịch dầu mỏ dự đoán, việc nối lại nguồn cung dầu thô nặng của Venezuela sang Mỹ và Ấn Độ có thể kéo giảm nhu cầu đối với các sản phẩm cạnh tranh khác như dầu Basrah Heavy của Iraq và dầu Cold Lake của Canada.
Ngoài ra, thị trường có thể có thêm dòng dầu thô của Mỹ để xuất khẩu sang châu Á khi các nhà máy lọc dầu ở Vùng Duyên hải Vịnh Mexico xử lý được nhiều dầu của Venezuela hơn.
Giới phân tích kỳ vọng dòng dầu của Nga và Iran sẽ tiếp tục được bơm ra thị trường thế giới, bất chấp các lệnh trừng phạt; từ đó kéo giá dầu giảm trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.
Iran đã đặt mục tiêu sản lượng dầu thô là 3,6 triệu thùng/ngày vào tháng 3/2024, cao hơn mức 3,4 triệu thùng/ngày như hiện nay.
Các nhà máy lọc dầu mới
Vấn đề hạn chế nguồn cung các sản phẩm thu được từ việc lọc dầu, đặc biệt là sản phẩm diesel, sẽ được cải thiện nhờ công suất hơn 1 triệu thùng/ngày của các nhà máy lọc dầu được đưa vào sử dụng ở Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, Trung Đông và Nigeria trong năm 2024.
Các dự án lọc dầu mới đưa vào hoạt động bao gồm dự án Yulong Petrochemical (Trung Quốc), dự án mở rộng các nhà máy lọc dầu Panipat và Koyali (Ấn Độ), dự án Dangote ((Nigeria) và dự án Dos Bocas (Mexico).
Chênh lệch giữa dầu nặng - nhẹ
Các nhà sản xuất bên ngoài OPEC do Brazil, Guyana và Mỹ dẫn đầu dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng sản lượng vào năm 2024, tăng nguồn cung dầu ngọt nhẹ (light sweet oil). Trong khi đó, các loại dầu chua có độ nặng trung bình (medium sour grades) sẽ tiếp tục bị thắt chặt do biện pháp cắt giảm của liên minh OPEC+.
Điều này có thể thu hẹp chênh lệch giá giữa các loại dầu thô trên toàn cầu, theo ông Vikas Dwivedi, chiến lược gia năng lượng toàn cầu tại Macquarie. Theo đó, giao dịch dầu thô có độ nặng trung bình gần ngang bằng với dầu ngọt nhẹ với mức chiết khấu giá thông thường là 2 - 4 USD/thùng, trong khi mức chênh lệch giữa dầu nặng và dầu nhẹ có thể thu hẹp xuống khoảng 4 USD/thùng, từ mức 8 USD trước đó.
"Điều này làm phức tạp việc tối ưu hóa công suất của các nhà máy lọc dầu và hạn chế tính linh hoạt trong vận hành để mở rộng nguồn cung sản phẩm", ông Mukesh Sahdev, nhà phân tích từ Rystad Energy, đánh giá.
Còn nhà phân tích Alan Gelder của Woodmac cho biết Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tăng cường nguồn dầu thô từ lưu vực Đại Tây Dương, trong khi châu Á và Mỹ đang cạnh tranh về nguồn dầu nặng.
Mỹ và Ấn Độ có thể chuyển hướng sang thị trường Venezuela để nhập khẩu thêm dầu nặng, còn Trung Quốc và Ấn Độ được dự đoán sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga và Iran.
"Ấn Độ được cho là đang có vị thế tốt nhất… vì vậy lợi nhuận tương đối của các hoạt động ở Ấn Độ sẽ còn cải thiện hơn nữa", nhà phân tích Viktor Katona của Kpler nhận xét.
Nguồn: TBKTVN