Các đồng tiền châu Á đương đầu với áp lực từ sự tăng giá mạnh của đồng USD
Xu hướng tăng giá này của USD khiến đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi châu Á giảm mạnh.
Tuần này, giá đồng đôla Đài Loan giảm xuống mức thấp nhất trong gần 8 năm, trong khi đồng ringgit của Malaysia gần chạm mức đáy ghi nhận vào khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. 22/23 đồng tiền của các nước đang phát triển được Bloomberg theo dõi đều giảm giá so với đồng bạc xanh.
Sáng ngày 16/4, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đạt mức 106,4 điểm, cao nhất kể từ đầu tháng 11 năm ngoái. Trong khi đó, chỉ số Bloomberg Dollar Spot, theo dõi đồng USD so với 12 đồng tiền lớn khác, cũng tăng hơn 4% trong năm nay.
USD tăng giá do dự báo Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn và nhu cầu nắm giữ đồng tiền này như một tài sản an toàn trong bối cảnh xung đột quân sự có thể leo thang và lan rộng ở Trung Đông sau khi Iran vào cuối tuần vừa rồi tấn công Israel.
Tuần trước, đồng bạc xanh ghi nhận tuần tăng giá mạnh nhất kể từ năm 2022 sau khi báo cáo CPI cho thấy lạm phát Mỹ vẫn tiếp tục cao dai dẳng.
Hiện tại, Fed duy trì lãi suất cơ bản ở khoảng 5,25-5,5%, đồng nghĩa nhà đầu có thể thu về mức lợi nhuận hấp dẫn khi giữ đồng USD và việc đầu tư vào các thị trường mới nổi trở nên kém hấp dẫn hơn do rủi ro tỷ giá.
Theo các nhà phân tích, các đồng tiền châu Á là nhóm chịu tác động lớn nhất khi đồng USD mạnh lên. Từ đầu năm đến nay, nhiều đồng tiền tại khu vực này giảm sâu do lãi suất tại đây thấp hơn với hầu hết các thị trường mới nổi khác.
Đơn cử, lãi suất cơ bản của Malaysia hiện thấp hơn khoảng 2,5 điểm phần trăm so với lãi suất của của Fed. Tương tự, lãi suất tại Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc hiện đều thấp hơn so với Mỹ.
Hai năm qua, trong khi Fed liên tục tăng lãi suất, thì Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đi theo hướng ngược lại với việc nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế đang sụt tốc tăng trưởng sau đại dịch Covid-19. Điều này khiến đồng nhân dân tệ chịu áp lực lớn, kéo theo một số đồng tiền châu Á khác có mối liên hệ lớn với kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là won Hàn Quốc và đôla Đài Loan.
Dự báo lãi suất ở Mỹ tiếp tục neo cao trong thời gian tới khiến nhiều ngân hàng trung ương châu Á trì hoãn việc hạ lãi suất chính sách do lo ngại động thái này có thể gây thêm áp lực với đồng nội tệ. Ngân hàng Morgan Stanley dự báo các nhà hoạch định chính sách ngân hàng trung ương ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines sẽ hoãn giảm lãi suất năm nay, còn Ấn Độ và Malaysia giữ lãi suất ở mức hiện trong thời gian còn lại của năm.
Song song với đó, các nhà hoạch định chính sách tại châu Á cũng triển khai một loạt biện pháp nhằm bảo vệ đồng nội tệ.
Nhà chức trách Trung Quốc sử dụng việc thiết lập tỷ giá tham chiếu hàng ngày như một cách để hỗ trợ đồng nhân dân tệ, trong khi các ngân hàng quốc doanh của nước này nâng đỡ đồng nội tệ bằng việc bán USD ra thị trường. Tại Indonesia, ngân hàng trung ương sử dụng dự trữ ngoại hối để mua vào đồng rupiah. Trong khi đó, ngân hàng trung ương Malaysia khuyến khích các doanh nghiệp có vốn nhà nước đưa lợi nhuận ở nước ngoài về nước và chuyển đổi sang ringgit.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc rút tiền từ dự trữ ngoại hối quá nhanh có thể dẫn tới nguy cơ mất ổn định hệ thống tài chính trong dài hạn.
Trên thực tế, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) rất hạn chế việc bán dự trữ ngoại hối để bảo vệ đồng yên. Gần đây nhất vào năm 2022, BOJ có 3 đợt can thiệp thị trường để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ bằng cách bán ra ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối. Từ đó đến nay, BOJ chưa có thêm đợt can thiệp nào như vậy, dù đồng yên liên tục mất giá so với USD, xuống mức thấp nhất 3 thập kỷ trong tuần này.
Nguồn: TBKTVN