Quay lại

Áp lực lương hưu giữa làn sóng già hóa tại châu Á

Châu Á đang đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh chóng, nhưng các quốc gia trong khu vực vẫn chưa chuẩn bị tốt để ứng phó. Đến năm 2050, 1/4 dân số châu Á sẽ trên 60 tuổi, trong khi hệ thống lương hưu hiện tại và mạng lưới hỗ trợ gia đình truyền thống không đủ để đảm bảo cuộc sống hưu trí thoải mái.

Các thị trường mới nổi tại châu Á đứng trước khoảng trống lương hưu lên tới 74 nghìn tỉ USD, tạo áp lực nặng nề lên chính phủ và các gia đình. Nếu không có các giải pháp kịp thời, nhiều người lớn tuổi sẽ phải sống trong cảnh nghèo đói.

Hiện nay, phần lớn người lao động tại châu Á không tiếp cận được hệ thống lương hưu, đặc biệt là lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức hoặc sinh sống tại vùng nông thôn. Thiếu kiến thức về quản lý tài chính và đầu tư cũng khiến nhiều người không tích lũy đủ cho tuổi già.

Bên cạnh đó, nhiều chính phủ trong khu vực vẫn chậm trễ trong việc xây dựng các hệ thống lương hưu bắt buộc hoặc phát triển các lựa chọn lương hưu tư nhân.

Gia đình nhỏ dần, gánh nặng gia tăng

Trước đây, gia đình đa thế hệ truyền thống từng là điểm tựa tài chính cho người lớn tuổi ở châu Á. Tuy nhiên, điều này đang thay đổi. Gia đình nhỏ dần, tuổi thọ kéo dài khiến gánh nặng tài chính của thế hệ trẻ chăm sóc cha mẹ ngày càng lớn. Quá trình đô thị hóa cũng khiến nhiều gia đình phải xa cách khi người trẻ tìm kiếm việc làm tại thành phố.

Trong khi đó, các chính phủ đang đối mặt với những quyết định khó khăn để duy trì quỹ hỗ trợ người già, như tăng tuổi nghỉ hưu hoặc tăng thuế. Tuy nhiên, đây không phải trách nhiệm riêng của nhà nước mà cần sự tham gia tích cực từ các ngành tài chính và cộng đồng.

“Phần lớn người dân châu Á chỉ bắt đầu chuẩn bị tài chính cho tuổi già vào giai đoạn cuối sự nghiệp, bỏ lỡ lợi ích từ lãi kép và đầu tư dài hạn. Việc khuyến khích tiết kiệm sớm và cung cấp các lựa chọn đầu tư đa dạng có thể thu hẹp khoảng cách lương hưu”, ông Manjit Singh, Chủ tịch Sun Life Asia, cho biết.

Hệ thống lương hưu đa tầng

Giải pháp cho vấn đề này là xây dựng hệ thống lương hưu đa tầng, bao gồm hỗ trợ cơ bản từ nhà nước cho nhóm dễ bị tổn thương, cơ chế tiết kiệm hưu trí từ người sử dụng lao động và cá nhân trong quá trình làm việc, cũng như tiếp cận các lựa chọn thị trường tư nhân.

Singapore và Hong Kong là những ví dụ điển hình về hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp nhằm gia tăng tiết kiệm hưu trí và tạo ra nền tảng cho sự thịnh vượng tương lai. Cả hai nơi đều sử dụng các ưu đãi thuế để khuyến khích người dân đóng góp vào quỹ lương hưu. Tại Hong Kong, chương trình đóng góp tự nguyện với ưu đãi khấu trừ thuế đã thu hút hơn 10,51 tỉ HKD (khoảng 1,35 tỉ USD) từ năm 2019.

Tại Trung Quốc, hơn 60 triệu người đã mở tài khoản lương hưu tư nhân kể từ khi hệ thống này ra mắt vào cuối năm 2022, cho thấy nhu cầu lớn về các giải pháp lương hưu từ thị trường tư nhân.

Theo ông Singh, để giải quyết vấn đề này, cần một cách tiếp cận phối hợp từ nhiều phía. Chính phủ, ngành tài chính và học thuật có thể cùng thành lập nhóm chuyên trách để xây dựng các giải pháp toàn diện.

Ngành tài chính có thể học hỏi các chính sách thành công từ các quốc gia khác để thiết lập hệ thống lương hưu bắt buộc và có thể chuyển đổi linh hoạt. Các công ty bảo hiểm và quản lý tài sản có thể cung cấp giải pháp trong cả hệ thống lương hưu nhà nước lẫn tư nhân, đồng thời thúc đẩy giáo dục tài chính, đặc biệt tại các khu vực nông thôn.

Bằng cách cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức về các công cụ tài chính, người dân có thể được trang bị kỹ năng để đầu tư hiệu quả cho tương lai. “Dù già hóa dân số là điều không thể tránh khỏi, cuộc khủng hoảng lương hưu tại châu Á vẫn có thể được ngăn chặn nếu hành động quyết liệt ngay từ hôm nay”, ông Singh nói.

Nguồn Nikkei Asia - Nhipcaudautu