Quay lại

Ảnh hưởng của TPP đối với ngành dệt may Việt Nam

Khi Việt Nam gia nhập TPP, lợi ích đối với ngành dệt may Việt Nam thể hiện ở hai hình thức chủ yếu là lợi ích về thuế quan và lợi ích khác về tiếp cận thị trường.

Về thuế quan, là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, việc Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường lớn như Hoa Kỳ với mức thuế suất thấp hơn hoặc bằng 0 sẽ mang lại một lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn và một triển vọng hết sức sáng sủa cho ngành sản xuất dệt may. Đồng thời, là một trong những ngành cần nhập khẩu nhiều hàng hóa nguyên phụ liệu từ nước ngoài, việc giảm thuế hàng nhập khẩu từ các nước TPP làm nguyên liệu đầu vào sẽ được hưởng lợi từ hàng hóa, nguyên liệu giá rẻ, giúp giảm chi phí sinh hoạt và sản xuất, từ đó có thể giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành.

Về tiếp cận thị trường, tham gia TPP hàng hóa của Việt Nam có điều kiện thâm nhập sâu hơn vào thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản – những quốc gia có quy mô kinh tế hàng đầu thế giới –  chiếm lần lượt 56,91% và 21,64% GDP trong tổng các quốc gia thành viên trong Hiệp định TPP. Xuất khẩu trong ngành dệt may của Việt Nam đến hai quốc gia này hiện cũng đang chiếm tỉ trọng lớn, đạt lần lượt 49,23% và 13,8% trong 4 tháng đầu năm 2014.

Về rào cản phi thuế quan, mặc dù về cơ bản những yêu cầu cao về vấn đề này có thể gây khó khăn cho Việt Nam (đặc biệt là chi phí tổ chức thực hiện của Nhà nước và chi phí tuân thủ của doanh nghiệp) nhưng xét một cách kỹ lưỡng một số tiêu chuẩn trong đó (ví dụ về môi trường) sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam làm tốt hơn vấn đề bảo vệ môi trường (đặc biệt trong đầu tư từ các nước đối tác TPP) và bảo vệ người lao động nội địa. Lợi ích về lâu dài từ điều này là người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi ích từ sản phẩm hàng hóa có chất lượng được nâng cao.

Ngoài ra, gia nhập TPP còn mang lại cho ngành dệt may và người tiêu dùng nhiều lợi ích khác, như lợi ích về thu hút đầu tư. Người tiêu dùng được hưởng lợi từ hàng hóa giá rẻ, môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, khả năng thu hút đầu tư vào ngành tăng.        

TPP dự kiến sẽ bao trùm cả những cam kết về những vấn đề xuyên suốt như sự hài hòa giữa các quy định pháp luật, tính cạnh tranh, vấn đề hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuỗi cung ứng, hỗ trợ phát triển… Đây là những lợi ích lâu dài và xuyên suốt các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt có ý nghĩa đối với nhóm doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất (doanh nghiệp nhỏ và vừa).

Tuy vậy, việc gia nhập TPP cũng mang lại nhiều thách thức cho doanh nghiệp, như việc những rào cản dưới dạng quy định kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ hay kiện phòng vệ thương mại với quy chế nền kinh tế phi thị trường mà Hoa Kỳ thực hiện rất có thể sẽ vô hiệu hóa lợi ích từ việc giảm thuế quan. Bên cạnh đó, những điều kiện ngặt nghèo về lao động, về xuất xứ nguyên liệu cũng có thể khiến hàng hóa Việt Nam không tận dụng được lợi ích từ việc giảm thuế trong TPP. Đặc biệt, quy định xuất xứ “từ sợi” (yarn forward) của TPP buộc doanh nghiệp dệt may xuất khẩu phải sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước thành viên TPP khác (không có Trung Quốc vốn là thị trường cung cấp nguyên phụ liệu dệt may cho Việt Nam) trong khi hiện nay tỉ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp chưa cao, chỉ mới đạt 50%.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải đối đầu với cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài khác khi họ đổ vốn đầu tư vào Việt Nam. Không chỉ những doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Đài Loan, hay Hồng Kông, nhiều doanh nghiệp dệt may lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí từ Mỹ, cũng đang hướng đến các dự án sản xuất ở Việt Nam để tận dụng cơ hội từ TPP. Các Công ty này đang mở rộng sản xuất, tăng số lượng nhà máy hoặc đầu tư nhà máy mới tại Việt Nam để đón đầu TPP. Điều này vô hình chung tạo áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy doanh nghiệp phải thay đổi định hướng, kế hoạch để tạo sự thay đổi, tập trung hơn vào chất lượng hàng hóa...

Nhìn chung, gia nhập TPP mang lại nhiều lợi ích những cũng có nhiều thách thức với doanh nghiệp dệt may. Doanh nghiệp được khuyên nên đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu, nhập khẩu từ các quốc gia đã tham gia TPP để được hưởng lợi khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Doanh nghiệp cũng được khuyên nên tìm hiểu kĩ về các qui định, điều kiện đối với hàng hóa xuất khẩu để được miễn giảm thuế, ví dụ nguyên tắc xuất xứ “từ sợi” có thể gây ảnh hưởng thế nào đến sản xuất, đồng thời mở rộng kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp trong các ngành. Nhà làm chính sách được khuyên nên xác định và tập trung nỗ lực phát triển các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ có lợi thế cạnh tranh toàn cầu như hàng dệt may để tạo ra kim ngạch xuất khẩu và việc làm.

Từ ba quốc gia ban đầu, sau gần 7 năm có hiệu lực, số nước tham gia đàm phán đã tăng gấp 4 lần, điều đó khẳng định tính hiệu quả thiết thực của hiệp định TPP. Hiệp định mậu dịch tự do này càng có ý nghĩa sâu sắc hơn khi các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên tới năm 2015 sẽ giảm bằng không, mở rộng cánh cửa thương mại, trao đổi hàng hóa thông thoáng, phù hợp xu hướng hội nhập kinh tế toàn cầu cho các doanh nghiệp Việt Nam./.

(Tổng hợp – AT, ITPC)

Nguồn:

http://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/hiep-dinh-TPP//11526/nhung-loi-ich-viet-nam-co-the-thu-duoc-tu-tpp

http://vietstock.vn/2014/02/gia-nhap-tpp-nam-co-hoi-va-nam-thach-thuc-768-330769.htm