Quay lại

Ấn Độ có thể làm gì để kinh tế tăng trưởng hơn nữa?

Tăng trưởng không thực sự ấn tượng

Đến với bất kỳ thành phố nào của Ấn Độ, chẳng hạn như Bangalore hay Hyderabad, sự lạc quan mạnh mẽ đều bao trùm nơi đây, khi mà nền kinh tế Ấn Độ có thể đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ bùng nổ lịch sử. Các số liệu được công bố gần đây cho thấy, tăng trưởng kinh tế đã đạt tốc độ hàng năm là 7,6% trong quý III/2023. Trong vài tuần qua, bốn nhà dự báo quốc tế đã nâng dự báo tăng trưởng của quốc gia này từ mức trung bình 5,9% lên 6,5%. Trong khi sở giao dịch chứng khoán quốc gia Ấn Độ hiện đang cạnh tranh với Hồng Kông để giành danh hiệu thị trường chứng khoán lớn thứ 7 thế giới.

 

Tuy nhiên, theo The Economist, nếu ngẫm lại thì những gì Ấn Độ đang làm không thực sự ấn tượng đến vậy. Tăng trưởng GDP đã chậm hơn một chút so với thập kỷ trước, dưới thời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ti lệ tham gia lực lượng lao động chỉ ở mức 40-50% và chỉ 10-24% đối với phụ nữ.

Theo cựu thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, ông Raghuram Rajan và ông Rohit Lamba của Đại học bang Pennsylvania, Ấn Độ dường như đang vật lộn giữa tiềm năng tăng trưởng to lớn của quốc gia và một thực tế đầy lộn xộn. Hai nhân vật trên cũng đã phác thảo ra một tầm nhìn tương đương với một mô hình phát triển hoàn toàn mới cho Ấn Độ, một mô hình mà họ cho rằng phù hợp với thế mạnh của nước này hơn là mô hình hiện tại. 

Những bài học cho Ấn Độ

Đầu tiên là Ấn Độ nên ngừng tôn sùng ngành sản xuất, một nỗi ám ảnh sinh ra từ sự tăng trưởng thần kỳ của Đông Á. Vào những năm 1960, thu nhập bình quân đầu người của Ấn Độ ngang bằng với Trung Quốc và Hàn Quốc. Đến năm 1990, Hàn Quốc đã cất cánh, trong khi Ấn Độ vẫn ngang hàng với Trung Quốc. Ngày nay Trung Quốc giàu hơn gấp 3 lần và Hàn Quốc giàu hơn 7 lần, được điều chỉnh theo sức mua. Sự tăng trưởng của các đối thủ của Ấn Độ được thúc đẩy bởi ngành sản xuất có tay nghề thấp, vốn nhận được nhiều sự hỗ trợ của nhà nước. Toàn cầu hóa đã tạo ra một thị trường rộng lớn, dẫn đến tốc độ tăng trưởng hai con số chưa từng có trước đây. Khi công nhân và công ty đã thành thạo những công việc dễ dàng, họ bắt đầu giải quyết những nhiệm vụ phức tạp hơn bằng những kỹ năng mới học được. Vậy tại sao Ấn Độ không nên noi gương các đối thủ của mình?.

Như ông Messrs Rajan và ông Lamba giải thích, vấn đề là Đông Á đã khiến ngành sản xuất trở nên cạnh tranh đến mức chỉ còn rất ít lợi nhuận để thu về. Hơn nữa, tự động hóa đã làm giảm số lượng việc làm sẵn có và ngành sản xuất không còn là mảnh đất màu mỡ nữa. Apple trị giá 3 nghìn tỉ USD nhờ thiết kế, xây dựng thương hiệu và phân phối sản phẩm của mình. Để so sánh, Foxconn, công ty thực sự sản xuất iPhone cho Apple, chỉ trị giá 50 tỉ USD.

Bài học thứ hai liên quan đến xuất khẩu dịch vụ, điều mà một số người trong chính phủ Ấn Độ cho rằng, là một cách mới để khai thác nhu cầu toàn cầu. Công nghệ hiện đại, đặc biệt là internet, đã làm cho dịch vụ trở nên dễ giao dịch hơn. Làm việc từ xa đã đẩy nhanh xu hướng này. Trong khi đó, các chính phủ trên khắp thế giới đang nỗ lực hỗ trợ các ngành công nghiệp trong nước, một phần là do thương mại hàng hóa toàn cầu đã giảm trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, thương mại dịch vụ vẫn tiếp tục phát triển.

 

Ở nhiều mảng, Ấn Độ đang đạt được thành công. Lĩnh vực dịch vụ Công nghệ thông tin nổi tiếng của họ đã chuyển từ chủ yếu cung cấp cho khối hậu cần (backed-office) sang các công việc phức tạp hơn cho bộ phận làm việc trực tiếp với khách hàng (front-office). Theo một ước tính, 20% lực lượng lao động thiết kế chip toàn cầu đã có mặt tại quốc gia này. Nhưng cần những cải cách sâu sắc nếu Ấn Độ muốn thành công trên phạm vi rộng hơn, khi tỉ trọng chi tiêu cho giáo dục trong GDP là 3-4%, ở mức trung bình so với những quốc gia có thu nhập tương tự. 

Mục quan trọng cuối cùng những nhà nghiên cứu cho biết, từ năm 1991, khi Ấn Độ mở cửa với thị trường toàn cầu, đến năm 2014, khi ông Modi lên nắm quyền, mức thuế trung bình đã giảm từ 125% xuống 13%. Kể từ đó đến nay, chúng đã tăng lên 18%, làm tăng chi phí đầu vào trung gian cho người sản xuất. Ấn Độ đã từ chối tham gia các hiệp định thương mại tự do khu vực, điều này cản trở khả năng tiếp cận khách hàng nước ngoài của các nhà xuất khẩu. 

Hai tác giả ông Messrs Rajan và ông Lamba cho rằng, kịch bản mà họ vẽ ra, trong đó sẽ có một Ấn Độ được quản lý tốt hơn, cởi mở hơn, đó là một điều tuyệt vời. Nhưng liệu tham vọng của họ có khả thi về mặt chính trị hay không lại là một câu hỏi khác.

Nguồn The Economist - Nhipcaudautu