Quay lại

Để tiếp tục dẫn đầu thị trường thương mại điện tử Mỹ, Amazon thực hiện kế hoạch mới

Hiện nay, thương mại điện tử chiếm gần 1 nghìn tỷ USD doanh số bán lẻ hàng năm ở Hoa Kỳ, 13% tổng ngành bán lẻ. Trên toàn cầu, con số này là 5 nghìn tỷ USD, dẫn đầu là các công ty như Amazon của Mỹ và Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc. 

Giao hàng nhanh luôn là yêu cầu quan trọng đối với Amazon. Theo đó, tại các khu vực đô thị lớn của Mỹ, vào quý 2/2023, hơn một nửa số đơn của các tài khoản Prime (tính năng giao hàng trong ngày hoặc ngày hôm sau) trong quý gần nhất đến tay khách hàng ngay trong ngày hoặc chỉ trong ngày hôm sau. Kể từ đầu năm đến nay, hơn 1,8 tỷ mặt hàng đã được Amazon giao trong cùng ngày hoặc ngày hôm sau cho khách hàng của mình. 

Theo một số nguồn tin, dự kiến báo cáo kết quả tài chính quý 2 của Amazon sẽ thua lỗ. Chính vì vậy, để lật ngược tình thế cũng như giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường năm 2022, các giám đốc điều hành của gã khổng lồ thương mại điện tử đang làm mọi cách để củng cố niềm tin của các nhà đầu tư. Theo đó, không chỉ Amazon, tăng trưởng doanh số bán hàng trực tuyến của các công ty thương mại điện tử khác cũng đã chậm lại do các mô hình mua bán truyền thống đã quay trở lại. Ngoài ra, Amazon ngày càng phụ thuộc vào lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh điện toán đám mây, vốn cũng đang chậm lại.

BẢN ĐỊA HÓA TỐT HƠN NHU CẦU KHÁCH HÀNG 

Gã khổng lồ có trụ sở tại Seattle hiện chưa tiết lộ chính xác có bao nhiêu nhà kho trên khắp nước Mỹ, nhưng việc nhân đôi số lượng có thể sẽ đòi hỏi phải xây dựng hàng chục cơ sở mới. Amazon hiện có sẵn hàng triệu sản phẩm để giao hàng trong ngày tại 90 khu vực đô thị ở Hoa Kỳ. Các cơ sở thực hiện nhiệm vụ giao hàng trong ngày thường nhỏ  và gần các trung tâm khu vực dân cư hơn so với các nhà kho lớn của Amazon thường nằm gần đường cao tốc ở ngoại ô các thành phố lớn.

Amazon thông tin sẽ tăng cường sử dụng các thuật toán dự đoán xu hướng tiêu thụ hàng hóa của khách hàng. Điều này cho phép gã khổng lồ thương mại điện tử của Mỹ lên kế hoạch trước cùng các nhà bán buôn đối tác để lưu trữ nhưng những sản phẩm cần thiết tại các kho tùy khu vực. 

“Các cơ sở kết hợp này cho phép chúng tôi thực hiện, sắp xếp và phân phối tất cả từ một địa điểm, giúp toàn bộ quá trình phân phối đơn hàng cho khách hàng trở nên nhanh hơn”, Doug Herrington, Giám đốc Cửa hàng Toàn cầu của Amazon cho biết. 

Khả năng giao hàng nhanh chóng đã giúp Amazon trở thành công ty dẫn đầu thị trường ở Mỹ, chiếm hơn một phần ba tổng chi tiêu, gấp khoảng sáu lần so với đối thủ cạnh tranh gần nhất là Walmart, theo ước tính của Insider Intelligence. 

NHỮNG Ý KIẾN TRÁI CHIỀU 

Một số người cho rằng giao hàng nhanh đòi hỏi chi phí tốn kém và thách thức về mặt hậu cần  

Một số người cho rằng giao hàng nhanh đòi hỏi chi phí tốn kém và thách thức về mặt hậu cần  

Hiện nay, một số nhà đầu tư đang đánh giá lại lợi nhuận khi xem xét chi phí đóng gói và vận chuyển của các đơn đặt hàng. Trong khi đó, các nhà bán lẻ truyền thống như Walmart hiện được đánh giá có lợi thế hơn vì số lượng cửa hàng đông cùng với đó không tốn nhiều khoản chi phí trước khi đưa hàng hóa đến tay khách hàng. 

Neil Saunders, nhà phân tích tại Globaldata Plc, cho biết khoản đầu tư của Amazon vào mục tiêu giao hàng trong ngày có thể sẽ nhận về nhiều phản ứng trái chiều từ các nhà đầu tư. Theo đó, một số người cho rằng cách làm này có thể khiến Amazon tăng doanh số bán hàng bằng cách làm cho việc mua sắm trực tuyến của người dùng trở nên thuận tiện hơn. Trong khi đó, những người khác lại đắn đo về chi phí trả trước vì việc xây dựng các cơ sở rất tốn kém và đòi hỏi nhiều hệ thống tự động hóa, dẫn đến lo ngại bao lâu thì sẽ hoàn vốn. 

Saunders nói: “Amazon có một số việc phải làm để thuyết phục mọi người rằng điều này sẽ có lợi cho lợi nhuận vì các nhà đầu tư sẽ hơi hoảng sợ trước chi phí đầu tư”. 

Trong một cuộc phỏng vấn, Udit Madan, phó chủ tịch phụ trách vận tải của Amazon, cho biết: “Tốc độ nhanh hơn cho phép chúng tôi tiết kiệm hơn”. 

Ông giải thích lái xe ít dặm hơn và ít phải chuyển giao hàng hóa hơn sẽ giảm “chi phí phục vụ” của Amazon. Madan nói thêm đã cắt giảm 15% khoảng cách từ kho hàng đến khách hàng và giảm 12% số lượng “điểm tiếp xúc” hoặc số lần một gói hàng được xử lý.

Công ty cũng ứng dụng những cải tiến trong công nghệ máy học nhằm lập kế hoạch tốt hơn về vị trí và số lượng hàng tồn kho, đồng thời đẩy nhanh thời gian giao hàng. 

Madan cho biết: “Chúng tôi luôn nhận thấy rằng khi chúng tôi cung cấp tốc độ nhanh hơn, khách hàng sẽ ít cân nhắc hơn khi quyết định đặt hàng của chúng tôi. Những gì chúng tôi đang thấy là mức độ tương tác cao hơn và nhiều lượt mua hàng hơn từ khách hàng”. 

Theo Fortune, một khó khăn khác mà Amazon đang phải đối mặt là những cáo buộc liên quan đến vấn đề người lao động. Một số quan chức đã cáo buộc các cơ sở của Amazon đang khiến các công nhân kiệt quệ vì bắt buộc phải làm ca dài, làm thêm giờ và công việc có nhịp độ nhanh sẽ gây căng thẳng đồng thời gây những hệ lụy cho sức khỏe của họ. Được biết, Amazon sẽ tham gia phiên điều trần dự kiến ​​diễn ra vào mùa thu.

Nguồn: TBKTVN